Khi bắt đầu tìm hiểu về thị trường chứng khoán, chắc hẳn bạn đã thường xuyên nghe đến cổ phiếu và trái phiếu. Cổ phiếu thì đã quá quen thuộc rồi nhưng còn trái phiếu là gì? Có những loại nào? Muốn bắt đầu đầu tư trái phiếu thì phải bắt đầu từ đâu? Đây là những câu hỏi mà khá nhiều bạn thắc mắc khi nghe đến loại hình đầu tư này. Thực chất đây là một hình thức đầu tư khá phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì vẫn còn mới lạ. Trong bài viết sau đây, tapchitiendientu.com sẽ giải đáp những câu hỏi trên giúp các bạn nhé.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ. Là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của nhà phát hành (có thể là chính phủ hoặc doanh nghiệp) bắt buộc phải trả cho những người nắm giữ (trái chủ). Khoản tiền mà trái chủ cho vay cần phải được trả theo đúng mệnh giá trái phiếu, trong một thời gian cụ thể và với mức lợi tức theo quy định. Hiểu đơn giản là người đầu tư sẽ cho doanh nghiệp/tổ chức vay một khoản tiền. Đến thời gian đáo hạn thì bên phía phát hành tức là doanh nghiệp/tổ chức đó sẽ phải hoàn trả khoản vay đó cùng với một tỷ lệ lãi suất nhất định.
Hình thức phát hành của loại chứng khoán này là chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Thông thường thì hạn giao dịch trên thị trường trái phiếu là trên 1 năm. Bởi thị trường này thuộc một phần của thị trường vốn.
Phân loại trái phiếu
Có khá nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại trái phiếu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến 3 tiêu chí. Bao gồm: hình thức, đối tượng phát hành và mức độ đảm bảo.
Phân loại theo hình thức
- Trái phiếu vô danh: Trên chứng chỉ hay sổ sách của nhà phát hành sẽ không mang tên của người nắm giữ. Để nhận lại khoản vay thì người nắm giữ chỉ cần mang chứng chỉ đến ngân hàng và nhận lại khoản vay của mình khi đáo hạn. Phiếu trả lãi cũng được đính kèm theo tờ chứng chỉ. Đến hạn trả lãi, trái chủ xé phiếu trả lãi để mang tới ngân hàng nhận lãi.
- Trái phiếu ghi danh: Là loại có ghi thông tin, địa chỉ của trái chủ trên chứng chỉ và sổ sách người phát hành. Hình thức ghi danh có thể là chỉ cho phần vốn gốc. Hoặc là ghi danh cả gốc lẫn lãi. Hiện tại hình thức ghi danh thứ hai phổ biến hơn.
Phân loại theo đối tượng phát hành
- Trái phiếu của doanh nghiệp: Nhằm để huy động vốn kinh doanh cho doanh nghiệp.
- Trái phiếu của Chính phủ: Nhằm huy động vốn trung, dài hạn cho Chính phủ. Đây có thể coi là loại chứng khoán ít rủi ro nhất.
- Trái phiếu của tổ chức tài chính, ngân hàng: Cũng nhằm tăng thêm vốn hoạt động.
Phân loại theo mức độ đảm bảo
- Trái phiếu có đảm bảo: Được đảm bảo về thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi. Bằng tài sản thế chấp của doanh nghiệp phát hành/bên thứ ba. Tài sản thế chấp thường là bất động sản hoặc các thiết bị.
- Trái phiếu không có đảm bảo: Không được đảm bảo thanh toán bằng tài sản. Thay vào đó là đảm bảo bằng tín chấp của doanh nghiệp. Tức là sự uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đó trên thị trường.
Đầu tư trái phiếu nên bắt đầu từ đâu?
Ở Việt Nam có hai hình thức đầu tư trái phiếu phổ biến là: đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp qua quỹ. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn hiểu một cách đơn giản nhất về hai hình thức đầu tư này nhé!
Đầu tư trực tiếp
Bước 1: Tìm hiểu và lực chọn tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu
Các tổ chức tư vấn phát hành là các tổ chức mua buôn trái phiếu của các doanh nghiệp. Sau đó lại bán lẻ ra cho các nhà đầu tư, họ hưởng lợi một phần lãi suất mà doanh nghiệp trả. Hiện nay trên thị trường tư vấn phát hành có công ty TCBS dẫn đầu (19%). Theo sau là VND, VPS, BSC, MBS, SHS, SSI.
Bước 2: Lựa chọn trái phiếu
Lời khuyên cho bạn là nên đầu tư vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động tốt. Bên cạnh đó để giảm thiểu những rủi ro thì nên chọn doanh nghiệp có sự bảo trợ nhiều từ Nhà nước. Nên tránh những doanh nghiệp đang có nhiều biến động về kinh tế, tài chính.
Bước 3: Tiến hành mua
Có 3 cách để bạn có thể tiến hành mua trực tiếp. Thứ nhất là giao dịch trực tuyến, thứ hai là qua quầy giao dịch và thứ ba là qua chuyên viên môi giới. Lựa chọn cách nào thì bạn cũng sẽ được hướng dẫn chi tiết các bước để tiến hành mua.
Đầu tư gián tiếp qua quỹ
Với hình thức đầu tư này thì bạn có thể mua mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu của công ty quản lý quỹ. Hiểu đơn giản là nó cũng giống như bạn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, chịu phí quản lý và nhận lãi suất. Hình thức này rất phù hợp với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm.
Quy trình thực hiện cũng hết sức đơn giản. Nhà đầu tư chỉ cần tiến hành mở tài khoản mua chứng chỉ Quỹ. Sau đó đặt lệnh giao dịch theo quy định là xong. Để tránh gặp phải thiệt hại, nhà đầu tư cũng cần nắm rõ các thông tin liên quan tới rủi ro nắm giữ chứng chỉ quỹ mở.
Tổng kết
Đây là loại hình đầu tư còn khá mới lạ tại Việt Nam. Hình thức đầu tư này được cho là ít rủi ro và đảm bảo an toàn hơn so với cổ phiếu. Tuy nhiên không có gì là tuyệt đối. Đầu tư trái phiếu vẫn tồn tại một số rủi ro nhất định. Trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp/tổ chức nào đó nhà đầu tư cần phải có sự tìm hiểu kỹ càng. Các tiêu chí cần được lưu ý bao gồm: tính minh bạch, doanh nghiệp dẫn đầu, ban quản trị, tài chính doanh nghiệp. Từ đó để có được những quyết định đúng đắn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về đầu tư trái phiếu đã được tổng hợp dễ hiểu nhất. Hy vọng với những thông tin được Tạp Chí Tiền Điện Tử chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn phần nào khi ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm các kiến thức khác về tiền điện tử trên trang của chúng tôi.
Tổng hợp: tapchitiendientu.com